Hiệu trưởng UFM tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
Chiều ngày 29/7/2022, Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển” do Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) với sự tham dự của lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; lãnh đạo các trường Đại học trú đóng trên địa bàn và đại diện các doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) đã tham dự và có bài phát biểu tham luận quan trọng về “Tín dụng cho tăng trưởng xanh – Thực trạng và khuyến nghị”, nhấn mạnh đến thực trạng và chính sách phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.
Thứ nhất, khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đang và sẽ tạo ra cơ chế, động lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Ngoài ra, lộ trình phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
Thứ hai, phát triển ngân hàng xanh trở thành một phần quan trọng trong các chính sách phát triển mang tính định lượng dài hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đảm bảo ba mục tiêu: (1) Từng bước tăng tỷ trọng tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh; (2) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng; (3) Đảm bảo giảm thiểu rủi ro tín dụng do ảnh hưởng bởi môi trường.
Hiệu trưởng UFM cũng lưu ý, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính chất bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh; đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam; cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay…)
Cuối cùng, PGS.TS Phạm Tiến Đạt kiến nghị thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác như: trái phiếu xanh, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, hướng đến công cụ tài chính bền vững…
Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà kinh doanh cũng đã cùng thảo luận về: Xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đưa kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hồng Quân