Hiệu trưởng UFM tham dự và phát biểu tại Hội thảo “kinh tế sông ở đồng bằng sông cửu long: những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Sáng ngày 01/8/2022, Hội thảo “kinh tế sông ở đồng bằng sông cửu long: những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Cơ quan Thường trực Tạp Chí Cộng Sản Tại Miền Nam chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực IV và Trường Đại học Cần Thơ diễn ra tại Thành phố Cần Thơ với sự tham dự của các vị lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cữu Long; lãnh đạo, các nhà khoa học ở các trường Đại học trú đóng trên địa bàn và đại diện các doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing đã tham dự và có bài phát biểu tham luận quan trọng về “Vai trò của vận tải đường sông trong phát triển kinh tế: kinh nghiệm các nước và hàm ý phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông cửu long”.
Theo đó, đối với Vai trò của vận tải đường sông trong phát triển kinh tế, PGS.TS Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh “ở mỗi quốc gia, vai trò của vận tải đường sông trong phát triển kinh tế cũng khác nhau, nhưng đều nhận thấy những lợi ích không thể phủ nhận của vận tải đường sông, “là động cơ phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm năng lượng, an toàn, hỗ trợ và kết nối các phương thức vận tải”.
Thứ nhất, vận tải đường sông có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn và cách mạng công nghiệp 4.0, trong chuỗi cung ứng xanh thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững, cho phép vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn và tiết kiệm năng lượng hơn so với vận tải đường bộ và đường sắt.
Thứ hai, vận tải đường sông giúp tiết kiệm chi phí tính vào giá thành sản phẩm đối với các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo bao
gồm các ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai khoáng và sản xuất công nghiệp, chủ yếu là chi phí vận tải đầu vào và phân phối sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các khoản chi phí phát sinh do xả thải chất ô nhiễm không khí, tai nạn, tiếng ồn của vận tải đường sông là thấp nhất so với các phương thức vận tải khác.
Thứ ba, hệ thống vận tải đường sông hiện đại đóng vai trò quan trọng góp phần hình thành và duy trì khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp cốt lõi và các ngành công nghiệp phụ trợ khác gắn với kinh tế sông của quốc gia trên thị trường thế giới.
Thứ tư, vận tải đường sông góp phần vào phát triển ngành du lịch bởi hoạt động du lịch đường sông được xem là sản phẩm du lịch xanh có tính bền vững và hấp dẫn cao nhờ gắn kết với môi trường sinh thái nước ngọt, đa dạng hóa sinh quyển góp phần giảm thiểu tình trạng phơi nhiễm quá mức ở các vùng sông ngòi kết nối ven biển. Vì lý do này, các quốc gia có lợi thế mặt nước sông ngày càng cố gắng tạo ra các sản phẩm du lịch gắn kết hệ sinh thái du lịch toàn cầu, tạo ra giá trị lợi ích cao liên quan đến loại hình du lịch này.
Thứ năm, vận tải đường sông cũng được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các vùng miền theo đường lưu thông dòng chảy, đặc biệt đối với kết nối giữa các vùng thượng nguồn và hạ nguồn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực nông thôn hẻo lánh trong giao thương, buôn bán, giao thoa văn hóa.
Hiệu trưởng UFM cũng lưu ý các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế sông đồng bằng Sông Cửu Long cần nghiên cứu kỹ những Bài học kinh nghiệm và chính sách phát triển kinh tế sông ở các nước trên thế giới có địa lý tương đồng, vận dụng phù hợp cho bối cảnh thổ nhưỡng, văn hóa, địa chính trị vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ nhất, chú ý đến quy hoạch mạng lưới tuyến đường sông khu vực ĐBSCL còn mang tính chất liên tỉnh và quốc tế, trong đó có các tuyến xuất phát từ biên giới ra hướng Biển Đông nhằm tạo ra luồng tuyến giao thông thủy khu vực ĐBSCL thông thoáng, nhất là về độ sâu, trong đó chú ý đến trang thiết bị hiện đại hóa hoạt động cho bến cảng, bến sông.
Thứ hai, tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho đường song, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển giao thông vận tải đường bộ và đường sông. Trong khi đó, tăng cường nguồn vốn từ NSNN để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng cho vận tải đường sông nói riêng, mở rộng quan hệ quốc tế gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực xã hội nguồn vốn của tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Thứ ba, tăng cường những dự án nạo vét lớn, khai thông dòng chảy lưu thông và đảm bảo an toàn tàu thuyền di chuyển. Nghiên cứu kỹ vị trí địa thế đầu tư xây dựng một số cảng nước sâu, nối cảng với hệ thống giao thông bên ngoài...
Thứ tư, công tác quy hoạch giao thông đường sông ở các địa phương chú ý đến liên kết với các ngành vận tải khác, trong đó quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành vận tải đường sông đáp ứng yêu cầu thực tế là hết sức quan trọng.
Cuối cùng, PGS.TS Phạm Tiến Đạt kiến nghị Cần xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đồng bộ, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương để tăng tính chủ động trong huy động nguồn lực.
Hoàn thiện chiến lược quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và thể chế chính sách phát triển vận tải đường sông trên phương diện tổng thể cho cả vùng, cả khu vực. Cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển vận tải đường sông, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, tăng năng suất vận tải, giảm cước phí vận tải thúc đẩy thị trường vận tải đường sông phát triển, nhanh chóng tham gia vào chuỗi logistics…
Hội thảo được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp đột phá góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế nhanh và bền vững đất nước.
Hồng Quân