Sinh viên UFM ghi dấu ấn tại các cuộc thi trong nước
Thời gian qua, sinh viên trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) đã xuất sắc đạt được thành tích cao tại các cuộc thi do Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam và Sống khoẻ Plus (songkhoeplus.vn) tổ chức. Chiều ngày 24/3/2022, Nhà trường đã tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng và động viên tinh thần cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn trong thời gian qua.
Tham dự buổi lễ, có sự hiện diện của ông Mai Quốc Huy, Trưởng phòng phụ trách Phát triển sản phẩm IIG Việt Nam chi nhánh Tp.HCM; PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các thầy cô là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Theo đó, Nguyễn Thị Hồng Diễm, sinh viên lớp CLC-19DMA5, khoa Marketing đã đạt điểm thi TOEIC 990 điểm, trở thành một trong những thí sinh đạt thành tích cao nhất toàn quốc, được nhận danh hiệu Đại sứ TOEIC Việt Nam (tháng 2/2022). Vượt qua hàng ngàn thí sinh trên khắp cả nước, bạn Nguyễn Thị Hồng Diễm trở thành một trong số những thí sinh có kết quả thi TOEIC cao nhất trong tháng 1/2022. Trong nhóm thí sinh là sinh viên, duy nhất chỉ có 1 bạn tại mỗi miền Bắc – Trung – Nam được lựa chọn để nhận giải thưởng này. Đây là thành tích vô cùng đáng tự hào, thể hiện khả năng vượt trội của thí sinh nói riêng cũng như khẳng định chất lượng đào tạo bộ môn Tiếng Anh của UFM.
Võ Thị Thanh Vân, sinh viên lớp C16E3 và Võ Thanh Vy, sinh viên lớp CLC-20DTM03 khoa Thương mại đã được Hội đồng Ban Giám khảo bình chọn là 10/740 bài viết hay nhất trong cuộc thi “Khoảnh khắc đáng sống” năm 2021 do Sống Khoẻ Plus (SongKhoePlus.vn) tổ chức. Cuộc thi được tổ chức nhằm lan toả, tiếp sức và tôn vinh những hi sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cuộc sống. Năm 2021, cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước phải căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là khoảnh khắc để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những sự kiện, câu chuyện đẹp, ý nghĩa đã diễn ra trong đại dịch.
Ông Mai Quốc Huy đại diện IIG Việt Nam trao Kỷ niệm chương tới PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng UFM
Ông Mai Quốc Huy đại diện IIG Việt Nam trao bảng tượng trưng Đại sứ Toeic tháng 02/2022 tới bạn Nguyễn Thị Hồng Diễm.
TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi lễ
Nhà trường gửi tặng các bạn sinh viên đạt thành tích xuất sắc các món quà kỷ niệm
Hồng Quân, Thành Nam
Bài viết dự thi của bạn Võ Thị Thanh Vân và Võ Thanh Vy tại cuộc thi “Khoảnh khắc đáng sống” năm 2021 do Sống Khoẻ Plus (SongKhoePlus.vn) tổ chức.
Những tháng ngày qua đối với tôi và đối với cả chúng ta như là một cơn ác mộng mà ngay bản thân mình quên rằng mình cần phải thức dậy. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, quá vội vàng, nhanh đến mức chúng ta chưa kịp nói với nhau lời tạm biệt, thậm chí còn chẳng thể nhìn thấy được mặt nhau lần cuối.
Tôi còn nhớ như in vào ngày hôm ấy, cuối tháng 8, khi những cơn mưa chiều tối bắt đầu buông rả rích trên những tán cây cao, khi mà dưới lòng đường người ta đang rít ga để chạy vội về nhà để kịp giờ giới nghiêm. Cứ tưởng không gian thơ mộng lắm, nhưng không, bởi vì đâu đó vẫn có những thân phận bé nhỏ đang oằn mình vất vưởng để chống chịu trong sự giày vò của bệnh dịch.
Tôi, cô gái 24 tuổi sống và làm việc ở Sài Gòn đã trải qua bao nhiêu đợt giãn cách, vẫn cứ đinh ninh mình sẽ không sao, mình còn trẻ còn khỏe thì căn bệnh này có là gì, mãi cho đến một ngày tôi sợ hãi, tôi hoang mang khi tôi cảm nhận sự mệt mỏi từ chính cơ thể mình. Những triệu chứng đau đầu, nóng bừng, chóng mặt... xuất hiện. Khi đó, tôi đã ngầm nhận ra bị mắc Covid-19 và chợt nhận ra mình còn quá nhiều thứ để làm, quá nhiều điều chưa thực hiện.
Đêm đầu tiên, những cơn sốt có lúc chạm ngưỡng 40 độ, tôi cứ ngỡ sẽ chẳng còn cơ hội để thấy được ánh sáng vào ngày mai, từng cơn nóng lạnh cứ dồn dập khiến tôi mê man không nhận thức được đêm hay ngày, không cảm nhận được mình có còn đang tồn tại nữa hay không. Có lúc tuyệt vọng và muốn buông bỏ lại còn nghĩ về vĩnh cảnh thấy cả đám tang của chính mình. Tôi thấy hình ảnh những người thân đưa tiễn, những từng giọt nước mắt đang chảy dài trên gương mặt. Một sự sợ hãi đến buốt lạnh cả con người...
Trong giờ phúc sinh tử ấy, tôi nhận ra bản thân mình trở nên nhỏ bé vô cùng, mạng sống mong manh đến khó tả, nếu tôi không vượt qua được thì có lẽ tôi đã mãi mãi nằm lại nơi đây như hàng triệu người đã nằm xuống dù chẳng phải chiến tranh. Nhưng cũng ngay lúc này đây, ở một nơi xa xôi nào đó lại có những con người không gắng gượng nỗi sự bào mòn của bệnh tật mà rời xa trần thế vĩnh viễn, họ buông bỏ mọi thứ tạm bợ trên cõi đời để mang thân xác mình trở về cát bụi. Đau lòng hơn rất nhiều trong số đó có người thân của chúng ta, một người thân thuộc, yêu thương nay đơn độc trên hành trình trở về vòng tay Mẹ, họ đi trên chuyến đi lạnh lẽo cô đơn khi bên cạnh không có nỗi một người nhà.
Bộ quần áo mặc vội vàng khi vào viện, mái tóc xốc xếch chẳng gọn gàng khi phải vật lộn với từng nhịp thở là tất cả hành trang khi một người được “tử thần” gọi tên kịp mang theo. Chiếc giường sắt lạnh buốt, không gian chật kín hơi người, tiếng vang đều đều đến ngộp thở của chiếc máy đo nhịp tim, tiếng đi lại, tiếng hối thúc nhau… tất cả trở nên tắt lịm nhường chỗ cho sự yên tĩnh rợn người bên trong chiếc quan tài gỗ chờ sẵn.
Hành trình tìm về với đất Mẹ sao mà xa xôi, sao mà khó khăn đến vậy. Lúc con tạm biệt Mẹ để đi đến chốn phồn hoa này lập nghiệp, con hứa ngày trở về sẽ thật vinh quang, con hứa với Mẹ con sẽ sống thật tốt để ngày về Mẹ sẽ thật tự hào, ấy vậy mà có còn nào có biết chuyến đi này là chuyến đi chỉ bán vé một chiều mang con về bên Mẹ.
Bên trong container lạnh lẽo đưa con về với cát bụi, con thật sự không muốn, chưa phải lúc này Mẹ ơi! Con còn cả tương lai dài rộng phía trước, còn nhiều ước mơ hoài bão. Con hứa cho Mẹ một cuộc sống tốt hơn, đỡ vất vả hơn,... nhưng hơn hết con còn chưa báo hiếu ngày nào, Mẹ đừng giận con nha!
Dẫu biết sinh tử là chuyện vốn hiển nhiên của một đời người, nhưng con chưa bao giờ nghĩ con lại để Mẹ lại khi tuổi con còn quá trẻ, con chưa bao giờ dám nghĩ rồi ngày này sẽ xảy ra với con, với chính con, để người đầu bạc phải khóc tiễn kẻ đầu xanh. Con đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, giờ phút này đây hình hài nguyên vẹn con chẳng còn, chẳng còn gì là của con ở chốn tạm bợ này nữa, con sắp quay về với những người thân thiết chỉ là con và họ chẳng còn có thể chạm được nhau...
Và hôm nay, chợt ngồi nhìn chiếc xe tang qua phố, lướt ngang trên trục đường chính, không kèn trống, chẳng người đưa tang, bất chợt dừng lại, dừng trước cái nơi mà không một ai muốn đến “Nhà Vĩnh Biệt”, như cái cách cuộc sống này đã đưa con đi...